Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

“Bẫy lừa” từ nhà, đất giá rẻ

Thời gian qua, xuất hiện rất nhiều tấm bảng, áp phích, băng rôn…về đất nền, nhà với giá rẻ bất ngờ trên khắp địa bàn Tp.HCM. Với chiêu thức này, nhiều khách hàng đã “sập bẫy” bởi thực ra giá không hề rẻ chút nào.

Dạo một vòng trên các tuyến đường Cộng Hòa, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Ảnh Thủ, Đỗ Xuân Hợp… không khó để thấy nhan nhản băng rôn, áp phích bán nhà, đất giá rẻ ở các quận 2, quận 9, quận 12 và cả Bình Dương, Đồng Nai… Song lời khuyên cho khách hàng là “đừng ham rẻ mà hại thân”.

Nhà chung sổ…

Nhìn chung trên các áp phích, băng rôn đều thấy giá đất nền dao động từ 100 đến 500 triệu/nền. Tuy nhiên, khi liên hệ qua số điện thoại ghi trên đó sẽ được chào mời và chỉ dẫn tận tình về những khu đất không tưởng.

Nếu chỉ đọc mỗi quảng cáo, khách hàng rất dễ bị những nội dung trong đó dụ dỗ như: giá rẻ như cho; đất nằm mặt tiền; gần trường học, bệnh viện… Nhưng chỉ cần đi một đến hai nơi theo lời quảng cáo, khách hàng sớm phải thất vọng bởi vị trí đất quá xấu, nằm ở các khu vực xa, không như quảng cáo.

Còn nếu đất, nhà đúng như quảng cáo, khách hàng cũng không nên vội tin mà mua vì những mảnh đất, ngôi nhà như vậy thường nằm trên trục đường thuộc dự án treo hoặc nằm trong khu quy hoạch.

Trao đổi với phóng viên, anh H.Q.Cương, một người dân sống ở quận Bình Tân, chia sẻ: “Trên áp phích ghi cần bán gấp đất mặt tiền 100m2 với giá 350 triệu đồng ở đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, tôi gọi điện và được chủ dẫn đến xem đất mới biết miếng đất nằm trong hẻm, là đất ao hồ”.

Khi thắc mắc về nội dung quảng cáo trên, anh Cương được chủ nhà trả lời: “Đây là giá bán đất nằm trên đường Đỗ Xuân Hợp nhưng trong hẻm. Còn giá đất mặt tiền đường Đỗ Xuân Hợp 100m2 làm gì có giá đó”.

Trường hợp của anh Cương khá may mắn vì sớm phát hiện ra “chiêu” bán đất giá rẻ của chủ nhà, song nhiều khách hàng khác không may mắn như anh đã mua phải đất, nhà kém chất lượng.

Lần theo một nội dung quảng cáo, phóng viên đã đến đường TX 25, phường Thới An, quận 12. Tại đây, nhiều ngôi nhà được xây dựng khá giống nhau với chiều ngang 4x14m hay 4x10m gồm 2 phòng ngủ, 1 phòng khách và nhà bếp. Những căn nhà này trở nên hấp dẫn khi được rao bán với giá chỉ từ 3 tới 5 triệu đồng/m2.

Theo một chủ đầu tư đang xây dựng, đây là loại nhà bán rất chạy, xây tới đâu bán tới đó bởi mức tiền phù hợp với thu nhập của những người có thu nhập thấp song thực chất không đơn giản về mặt giấy tờ sở hữu và chất lượng nhà cũng không bảo đảm.

Anh Hùng (quận 12) là người kém may mắn khi mua phải nhà kém chất lượng. Không những vậy, anh Hùng cũng đang đau đầu vì căn nhà của anh và nhà kế bên chỉ chung một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, do hai bên có mâu thuẫn nên khi anh Hùng muốn bán căn nhà phải có sự đồng ý của nhà bên kia. Chưa hết, sau một thời gian sử dụng nền nhà bị sụt lún, tường nứt do hệ thống cột bê tông chỉ được xây trơn bằng gạch.

Anh Hùng chia sẻ: “Tuy biết nhà chung sổ nhưng vì ham giá rẻ, ít tiền và muốn có nơi an cư nên đã trót mua. Tới giờ, khi dọn về ở được vài tháng đâm hối hận bởi chỉ có mỗi hợp đồng mua bán nhà bằng giấy viết tay trong khi chất lượng nhà quá tệ, liên lạc với người bán nhà thì họ bảo đã giao nhà nên không có thẩm quyền giải quyết”.
Nếu chỉ đọc mỗi quảng cáo, khách hàng rất dễ bị những nội dung trong đó dụ dỗ

Đất trong quy hoạch…

Trường hợp của chị T còn bi đát hơn. Sau khi đọc được thông tin rao bán đất nền tại khu vực quận 9 (Tp.HCM), chị đã gọi điện cho “cò đất” và được hẹn cuối tuần đi xem đất cùng đoàn. Tuy nhiên lúc lên xe, nhân viên này giải thích đất ở khu vực quận 9 khá đắt đỏ nên đoàn xe chuyển hướng xuống thành phố Biên Hòa (Đồng Nai).

Song khi đến nơi, chị T mới biết khu đất thuộc xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, Đồng Nai cách Sài Gòn hơn 60km. Dự án này được ghi là “Diamond City” nhưng vì được hứa hẹn có chiết khấu cao và bốc thăm trúng thưởng, chị T đã đặt cọc 50 triệu đồng để mua dự án đất nền “Diamond City”.

Sau khi về nhà, chị T dò hỏi thông tin, tra mạng Internet về dự án đất nền mình vừa mua xong mới tá hỏa phát hiện ra đó là dự án ảo. Chị T gọi điện thoại cho nhân viên đòi lại tiền cọc thì nhận được trả lời “đặt cọc rồi không đòi lại được”.

Tiếp tục, chị T nhờ người hỏi giúp thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai và được biết không có bất cứ dự án “Diamond City” nào tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

“Chúng tôi nhiều lần kiến nghị, điện thoại, lên tận văn phòng Địa ốc Kim Phát để làm việc xung quanh vấn đề mua bán đất nhưng đều bị công ty này từ chối. Lãnh đạo công ty này luôn né tránh khách hàng”, chị T bức xúc.

Một trường hợp khác là anh Cao Đức Hưng ở quận 8. Cũng từ quảng cáo trên đường, anh Hưng gom góp được gần 500 triệu đồng, mua mảnh đất ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Sau khi gặp bên bán, anh Hưng đặt cọc 100 triệu, được chủ đất hẹn hai tháng sau sẽ ra sổ đỏ và đóng nốt số tiền còn lại, đồng thời bao luôn giấy phép xây dựng.

Chờ hết tháng, anh Hưng hỏi sổ đỏ thì chủ đất trốn tránh trách nhiệm, hẹn tới hẹn lui. Nóng ruột, anh Hưng lên huyện tìm hiểu mới phát hiện thửa đất mình mua không đủ điều kiện để cấp phép xây dựng, anh Hưng đòi lại tiền song chủ đất không chịu trả.

Chưa hết, nhiều khách hàng ham rẻ nên mất trắng và có nguy cơ phải đập nhà do xây dựng trái phép. Chị T. ngụ quận 12, mua mảnh đất 60m2 tại phường Thạnh Xuân với giá gần 350 triệu đồng với giấy tờ viết tay, cho biết: “Hai bên tiến hành mua bán lập vi bằng, tôi gửi trước 70% chờ sau khi làm xong giấy tờ sẽ đưa hết số tiền còn lại”.

Tranh thủ trong lúc chờ chủ đất làm giấy sang sổ, chị T. làm thủ tục xây dựng căn nhà mới biết mình mua phải đất nằm trong khu quy hoạch. Chị tìm người bán thì họ đã “cao chạy xa bay”.

Việc chủ đầu tư nhà đất ở vùng ven phân lô bán nền khi chưa đủ pháp lý là tình trạng có thật. Nhà đất giá rẻ quảng cáo rầm rộ là một phần đánh vào tâm lý khách hàng, thu hút người có thu nhập thấp. Chính vì vậy, khách hàng nên cẩn thận để tránh mất tiền oan.
Nguồn: vfpress.vn

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2017

Không lo tiền bị 'chôn' trong bất động sản

Năm 2017 vẫn được các chuyên gia khẳng định là một năm lạc quan của thị trường bất động sản. Những lo ngại về bong bóng hay “chôn” tiền vào bất động sản cũng dần bị dẹp bỏ.
Nhu cầu về nhà ở của người dân còn rất lớn. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Tuy nhiên, xu hướng của thị trường có tốt thêm lên hay “đi ngang” so với năm 2016 cũng có một phần quyết định từ chiến lược và điều chỉnh phân khúc sản phẩm mà một số chủ đầu tư lớn đang nắm vai trò chi phối nguồn hàng. 
 
Nhu cầu nhà ở rất lớn
 
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) Nguyễn Trần Nam lạc quan phân tích, với bộ máy Chính phủ mới, các bộ ngành và địa phương đang rất hăng hái, năng nổ. Công việc đang được khuấy động lên và có sự cạnh tranh lẫn nhau nhằm thu hút đầu tư, phục vụ doanh nghiệp. 
 
Những yếu tố này cộng với hàng loạt luật, chính sách mới điều chỉnh theo xu hướng khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân kinh doanh là những nền tảng rất tốt để phát triển và ổn định kinh tế. Điều này sẽ giúp thị trường bất động sản năm 2017 có đà bật, nhất là khi nhu cầu về nhà ở của người dân còn rất lớn và vẫn còn lãnh địa rộng để phát triển. 
 
Theo ông Nam, trước hết về trung và dài hạn thì nhu cầu bất động sản ở Việt Nam vẫn rất lớn. Dự báo đến năm 2020 dân số xấp xỉ con số 100 triệu. Bình quân diện tích nhà ở cả nước hiện nay chưa đạt 23 m2/đầu người và tốc độ đô thị hóa tiếp tục tăng, kéo theo khoảng 1 triệu dân chuyển từ khu vực nông thôn sang sinh sống tại các khu đô thị và khu công nghiệp. Như vậy, nhu cầu nhà tiếp tục tăng cao. 
 
Nếu xét cầu tăng trưởng, mỗi năm phải tăng thêm 1m2 sàn/người, tức là cần bổ sung 1 triệu m2 nhà ở. Đó là chưa kể việc tự sửa chữa, nâng cấp, cải tạo của bản thân người dân, hiện nay đã chiếm khoảng 50% trong diện tích nhà ở. Cùng đó là diện tích văn phòng, dịch vụ, công trình xã hội, bệnh viện trường học… góp phần đẩy nhu cầu nhà ở của người dân gia tăng. 
 
Tuy nhiên, trong thị trường bất động sản, phân khúc nhà ở của người dân phải xác định được đúng cơ cấu hàng hóa. Bởi vậy, tín hiệu mà thương hiệu lớn như Vingroup đưa ra cuối năm 2016 rất đáng mừng. Cụ thể, Vingroup đưa ra phân khúc mới với thương hiệu Vincity ở 7 thành phố lớn và từ nay đến năm 2020 sẽ cũng cấp cho thị trường 200 nghìn đến 300 nghìn căn hộ giá rẻ. Như vậy, mỗi năm có khoảng 40 đến 50 nghìn căn hộ bổ sung cho nguồn cung mới. Phân khúc này không sợ thừa – ông Nam phân tích. 
 
Hiện 70% nhu cầu thị trường nằm ở phân khúc này, trong khi lượng hàng hóa lại đang thiếu. Cung đã có, cộng với việc Chính phủ tiếp tục đưa ra cho người dân các gói tín dụng phục vụ nhu cầu thật của người dân và khả năng thanh toán sẽ thông qua gói ưu đãi quy định lãi suất tối đa bằng 50% so với thị trường được kỳ vọng sẽ giúp người thu nhập thấp, thu nhập trung bình cải thiện chỗ ở. 

Cầu vượt đường sắt đô thị tuyến Metro số 1 vượt sông Sài Gòn. Ảnh: An Hiếu/TTXVN
Đơn cử như năm 2016, lãi suất hỗ trợ quy định 4,8% và vẫn cân đối, triển khai được gói tín dụng ưu đãi cho vay mua nhà này, khớp được cung và cầu nên hoàn toàn không lo ngại gì về “khủng hoảng thừa”. Cho dù năm nay, mức lãi suất hỗ trợ vừa được Chính phủ phê duyệt là 5%/năm cũng là hợp lý. Hiện phân khúc dư thừa đáng lo ngại chủ yếu là hàng cao cấp. 
 
Kết thúc năm 2016, tổng lượng hàng giao dịch thông qua các sàn giao dịch khoảng 35 nghìn (chỉ tính ở đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) nhưng có tới trên 90% là phân khúc cao cấp. Trong khi nhu cầu rất lớn là phân khúc nhà ở thương mại quy mô nhỏ và nhà ở xã hội thì vắng bóng. 
 
Tuy nhiên, với những giải pháp được triển khai đồng bộ, hiệu quả của Chính phủ cho năm 2017 thì phân khúc nhà ở xã hội và thương mại quy mô nhỏ sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường và vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng của thị trường bất động sản. Điều này cũng giúp cho thị trường an toàn và ổn định hơn – ông Nam nhận xét. 
 
Tiền sẽ "dịch chuyển" theo thị trường
 
Ở một góc độ khác, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng bày tỏ sự lạc quan về bất động sản năm 2017, nhất là dẹp bỏ nỗi lo tiền đầu tư bị chôn trong thị trường này như có giai đoạn đã từng trải qua. Theo phân tích của ông Cường, từ cuối năm 2014 kéo dài sang cả năm 2016, thị trường bất động sản đã có sự phục hồi tích cực nhưng không tạo “đột biến” tích cực hơn. Bởi vậy, năm 2017, bất động sản vẫn tiếp tục duy trì nguồn cung dồi dào nên không thể xảy ra biến động giá. 
 
Môi trường kinh tế vĩ mô có xu hướng ổn định, phát triển theo xu thế đi lên nên đầu tư bất động sản mang lại lợi nhuận tốt từ việc cho thuê để ở, làm cửa hàng, văn phòng… Tức là dòng tiền đổ vào bất động sản có thể chuyển biến, đem lại khoản lãi cho người đầu tư cho dù không tạo thặng dư đột biến như thời điểm thị trường trong cơn sốt. Như vậy, tình trạng “chôn” tiền vào bất động sản, mua xong “đắp chiếu” để đấy không còn – ông Cường phân tích. 
 
Giờ không còn tình trạng ném tiền vào “chôn” ở bất động sản nên rủi ro khi bỏ vốn vào lĩnh vực này của vài năm tới không đáng lo ngại. Còn có tạo ra được lợi nhuận hay không thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhiều nhà đầu tư có thể là chọn những khu vực phát triển mới, hạ tầng tốt để “đón lõng” chờ thời cơ tăng giá. Tuy nhiên, ở góc độ chuyên gia kinh tế, ông Cường cho rằng, với những người có nguồn vốn dài hạn, không quá dư giật mà chỉ đầu tư trong thời gian ngắn, chớp thời cơ thì khả năng sinh lợi nhuận không nhiều. 
 
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư cũng nên để mắt tới nguồn thị trường thứ 2 là chứng khoán bởi năm 2017 sẽ có nhiều cơ hội hơn, nhất là khi các doanh nghiệp cổ phần hóa lên sàn nhiều với lượng hàng phong phú – ông Cường đưa ra lời khuyên. Thị trường chứng khoán dễ thu hút dòng tiền hơn bất động sản cho dù tỷ suất lợi nhuận không cao bằng. 
 
Với những người không quá nhiều tiền thì có thể chọn kênh đầu tư này vì thanh khoản nhanh, rủi ro không quá cao như thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Kênh gửi tiền ngân hàng cũng được tính đến bởi không có rủi ro nhưng mức lợi nhuận hạn chế và phù hợp với người đầu tư thích an toàn tuyệt đối. 
 
Bởi vậy, theo ông Cường, đầu tư bất động sản có thể lợi nhuận cao hơn nhưng không đến mức người ta phải lao vào đó. Năm qua, lạm phát thấp, dưới 4%, nên gửi tiền vào ngân hàng vẫn có lợi và an toàn, nhất là khi chưa có kênh đầu tư nào thực sự hấp dẫn.
Thu Hằng (TTXVN)